Boeing chỉ điểm cơ hội cho Việt Nam trước tiềm năng sản xuất nhiên liệu sinh học ngành hàng không từ bã mía, bột ngô, sắn… (9/2024)
Boeing chỉ điểm cơ hội cho Việt Nam trước tiềm năng sản xuất nhiên liệu sinh học ngành hàng không từ bã mía, bột ngô, sắn… (9/2024)

Boeing chỉ điểm cơ hội cho Việt Nam trước tiềm năng sản xuất nhiên liệu sinh học ngành hàng không từ bã mía, bột ngô, sắn… (9/2024)

Theo một lãnh đạo của Boeing Đông Nam Á, thì Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học cho ngành hàng không từ nông sản – phụ phẩm nông nghiệp. Muốn tận dụng được cơ hội, Việt Nam cần đầu tư thật nhiều vào R&D và liên kết chặt chẽ với các bên liên quan để bán hàng.

SAF là giải pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để giảm phát thải carbon trong ngành hàng không 

Lượng khí CO2 phát thải từ ngành hàng không chiếm từ 2,5% đến 3% tổng lượng phát thải toàn cầu. Vậy nên, dù muốn dù không ngành hàng không Việt Nam lẫn thế giới vẫn phải tham gia tích cực vào tiến trình cắt giảm khí CO2 cũng như tiến tới đạt Net Zero vào 2050 như tất cả các ngành nghề khác trên thế giới. 

“  Hiện Boeing đang hoạt động ở 150 quốc gia và mục tiêu của chúng tôi là tới năm 2030, sẽ sử dụng 100% Nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel - SAF). 

Để làm được điều đó, Boeing sẽ thực hiện 3 chiến lược sau: đổi mới trong sản xuất như tạo ra các loại máy bay chạy bằng điện hoặc hydro xanh; tăng hiệu quả hoạt động ở trên tất cả dịch vụ; và tăng hiệu suất hoạt động của máy bay  ”, bà  Sharmine Tan – Trưởng bộ phận Phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á của Boeing  chia sẻ Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 - “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”. 

Theo báo cáo vào tháng 6/2024, hiện 39% năng lượng sử dụng cho các hoạt động vận hành của Boeing là từ năng lượng tái tạo thu hoạch được trong năm 2023, thông qua đặt mua trực tiếp và các tín chỉ năng lượng tái tạo. 

Cũng theo Boeing, thì việc khử carbon trong hàng không thương mại sẽ đòi hỏi cách tiếp cận nhiều mặt. Sử dụng SAF là giải pháp nhanh nhất và đóng góp lớn nhất để đạt được các mục tiêu không phát thải. Các công nghệ khác như máy bay chạy bằng điện hay hydro xanh đòi hỏi phải có nhiều thời gian để phát triển, thử nghiệm và xây dựng cơ sở hạ tầng tương ứng. 

Khi máy bay sử dụng 100% SAF, tùy loại có thể giảm tới 80% khí carbon thải ra môi trường trong suốt vòng đời của nhiên liệu. Hiện tại, các loại máy bay thương mại bình thường như của Boeing – không kể dòng mới hay cũ, đều có thể sử dụng hỗn hợp 50% nhiên liệu truyền thống và 50% SAF.

Năm 2023, Boeing từng mua 5,6 triệu galllons SAF cho các hoạt động của mình. Vào tháng 6/2024, Boeing đã thông báo về việc mua 9,4 triệu gallon SAF - được sản xuất từ phụ phẩm như mỡ động vật, dầu ăn, mỡ bôi trơn để hỗ trợ cho các hoạt động thương mại của mình trên đất Mỹ. EPIC Fuels, World Fuel Services và Avfuel sẽ là các đơn vị cung ứng nhiên liệu SAF do Neste và World Energy sản xuất. 

Theo đó, nhiên liệu hỗn hợp bao gồm 30% SAF - 70% nhiên liệu thông thường sẽ phục vụ cho chương trình Boeing ecoDemonstrator và các chuyến bay thương mại của Boeing tại Mỹ. 

“  16 năm trước, lần đầu tiên chúng ta nghe đến năng lượng hàng không bền vững với các chuyến bay sử dụng tối đa 10% SAF. 5 năm trước, chúng ta chỉ nghe đến SAF từ các hãng hàng không châu Âu và Mỹ; nhưng ngày nay, các hãng hàng không ở Đông Nam Á hay châu Á – Thái Bình Dương cũng đang tích cực tham gia vào lĩnh vực này. 

Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 tại Đông Nam Á trong việc sử dụng SAF cho các chuyến bay của mình  ”, bà Sharmine Tan thông tin. 

Vào tháng 5/2024 vừa qua, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam sử dụng năng lượng xanh – cụ thể là 10% SAF cho chuyến bay từ Singapore đến Hà Nội.

Đầu năm 2024, Chính phủ Singapore cho biết, nước này đang có kế hoạch yêu cầu tất cả các chuyến bay khởi hành từ Singapore phải sử dụng SAF từ năm 2026. Singapore đặt mục tiêu sử dụng 1% nguyên liệu SAF từ năm 2026 và có kế hoạch nâng lên 3% - 5% vào năm 2030. Singapore cũng đã lên kế hoạch áp dụng thuế SAF để đảm bảo chi phí cho các hãng hàng không và khách du lịch. 

Bắt đầu từ năm 2025, các chuyến bay cất cánh từ các sân bay ở EU sẽ bị bắt buộc nạp ít nhất 2% SAF bên cạnh nhiên liệu thông thường. Tỷ lệ này tăng lên tới 20% vào năm 2035. Quy định này được gọi là ReFuelEU, áp dụng cho tất cả các hãng hàng không hoạt động ở không phận EU, bao gồm các hãng bay ngoài khối này. 

R&D chính là chìa khóa để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội kiếm tiền từ SAF 

Với tư cách 1 trong 2 ông lớn nắm trùm ngành hàng không thế giới, Boeing không chỉ đóng vai trò người mua lớn mà còn là tổ chức thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng SAF trên toàn cầu. 

“  Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn ở ngành sản xuất SAF, bởi các bạn có nguồn nguyên liệu thô để phát triển năng lượng bền vững lớn như sắn, gạo, bột ngô, gỗ… Điều cần thiết bây giờ là các bạn cần thay đổi tư duy, hướng tới kinh tế tuần hoàn, nghiêm túc làm R&D để biến những nông sản – phụ phẩm nông nghiệp thành SAF. 

Nếu sản xuất được SAF, đầu tiên, các DN Việt Nam có thể bán cho các hãng bay trong nước và nếu còn dư sẽ bán cho các hãng bay trên khắp thế giới. Nếu Việt Nam có thể tạo ra được một hệ sinh thái SAF sẽ tạo ra được rất nhiều công ăn – việc làm cho người la động cũng như phát triển được ngành hàng không – vũ trụ của mình”,  Trưởng bộ phận Phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á của Boeing  khẳng định. 

Do nguồn cung hạn chế, nếu một chuyến bay sử dụng 100% SAF thì giá vé máy bay tăng gần 50% so với giá vé máy bay sử dụng nhiên liệu truyền thống. Vậy nên, ngoài lý do về những hạn chế của máy móc, thì chi phí phải bỏ ra cao, cũng khiến nhiều hãng bay chỉ mới dám sử dụng 5% đến 10% SAF cho các chuyến bay của mình. 

Đây là thách thức của ngành hàng không thế giới nói chung và Boeing nói riêng trong tiến trình đến Net Zero nhưng sẽ là cơ hội lớn với các nước giàu nguyên liệu thô để sản xuất năng lượng sinh học như Việt Nam. 

Đáp lời,  Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Võ Văn Hoan  cũng rất quan tâm tới nhận định nói trên của lãnh đạo Boeing Đông Nam Á. Theo ông, ở đồng bằng Sông Cửu Long có rất nhiều phụ phẩm nông nghiệp như trấu, xơ dừa…có thể tạo ra năng lượng xanh. Tại TP.HCM, cũng có một doanh nghiệp xuất khẩu mỡ cá tra – basa ra khắp toàn cầu, kiếm bộn đô la cho đất nước. 

“  Việc tạo ra năng lượng sinh học từ nông sản hay phụ phẩm nông nghiệp không phải là ý tưởng gì quá xa vời mà thực tế - trong quá khứ lẫn hiện tại, đã có nhiều DN ở miền Tây và TP.HCM đã tham gia lĩnh vực này. 

Vậy nên, tôi đề nghị Boeing có thể đến TP.HCM hay đồng bằng Sông Cửu Long để khảo sát và nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Các bạn có thể đặt nhà máy và hướng dẫn cho nông dân cùng thực hiện…Miền Nam cần nguồn cung SAF lớn vì có rất nhiều sân bay như Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc…”  , ông Võ Văn Hoan khuyến nghị. 

Bổ sung thêm, bà  Trần Tuyết Minh – Phó Chủ tịch UBND Bình Phước  cũng thông tin: Bình Phước chính là thủ phủ của cây điều Việt Nam với hơn 152.000ha – tương đương sản lượng 170.000 tấn/năm. 

Nhiều DN ở các nước như Mỹ - Nhật Bản đang rất quan tâm tới lĩnh vực sản xuất dầu vỏ hạt điều, vì chúng có thể ứng dụng làm vật liệu nhựa, thiết bị bay, năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, tỉnh này chưa có bất cứ DN nào dùng công nghệ để chế biến sâu dầu hạt điều; mà chủ yếu vẫn là các cơ sở ép vỏ điều lấy dầu nguyên liệu thô. 

Nhìn về quá khứ, ở Việt Nam chúng ta không thiếu DN đầu tư và sản xuất nhiên liệu sinh học: như Minh Tú hay Agifish từ đầu thập niên 2000 với dầu biodiesl từ mỡ cá tra – basa; hay chính Vĩnh Hoàn cũng đã mon men tiếp cận lĩnh vực này gần đây. 

Năm 2021, Công ty Cổ phần Dừa Đông Dương đã hợp tác với một số chuyên gia của Trường Đại học Osaka Metropolitan nghiên cứu dự án sản xuất xăng sinh học dùng cho máy bay và dầu diesel từ dầu dừa được chiết xuất từ phụ phẩm của cơm dừa nạo sấy. 

Tuy nhiên, đây là những dự án đơn lẻ của các DN Việt và chưa tạo ra được giá trị hay tiếng vang lớn; còn để phát triển thành một hệ sinh thái SAF như quan chức Boeing đề nghị, cần có sự liên kết giữa cơ quan quản lý – DN cũng như tỉnh thành ở miền Nam.